Nguyên nhân, triệu chứng bệnh eczema và cách điều trị hiệu quả nhất được thông tin trong bài viết sau giúp bạn có những kiến thức tổng quan về bệnh. Giúp phòng bệnh cũng như nhận biết sớm dấu hiệu bệnh và có biện pháp ứng phó hiệu quả. Cùng Biquyetchamsocda.com tìm hiểu nhé!
Bệnh eczema là gì?
Bệnh eczema nhiều người gọi là bệnh viêm da cơ địa, được định nghĩa là trạng thái viêm lớp nông của da, biểu hiện cấp, bán cấp hay mạn tính. Đây là bệnh về da thường gặp, tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng những tổn thương về da mà chúng gây ra ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày và thẩm mỹ, bệnh thường khó điều trị triệt để.
Nguyên nhân và triệu chứng bệnh eczema
Nguyên nhân gây bệnh eczema rất đa dạng. Trong một số trường hợp thường khó hoặc không xác định chính xác được. Bệnh có thể xuất phát từ yếu tố bên trong hay bên ngoài. Cụ thể là:
– Yếu tố bên trong:
+ Do cơ địa: Liên quan đến di truyền, những người có tiền sử gia đình có người bị chàm, hen suyễn, dị ứng,… dễ mắc bệnh eczema hơn.
+ Bị rối loạn thần kinh (xúc cảm mạnh, suy nghĩ lo âu, làm việc căng thẳng).
+ Gặp vấn đề về rối loạn tiêu hóa (táo bón, viêm đại tràng, giun sán).
+ Do thay đổi nội tiết (có thai, tiền mãn kinh, tuổi già,…).
– Yếu tố bên ngoài:
+ Dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi có chứa: lưu huỳnh, thủy ngân, thuốc tê, sunfamid, chlorocid, penicillin, streptomycin,…
+ Tiếp xúc với các hóa chất, các chất độc hại như: xi măng, thuốc nhuộm, nguyên liệu làm cao su, sơn xe, dầu mỡ, than đá, phân hóa học, thuốc trừ sâu, axit, kiềm, mặc áo quần với chất liệu là len dạ,…
+ Môi trường khói, bụi, lạnh, nóng, ẩm,… cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh.
+ Yếu tố tâm lý: stress, lo âu căng thẳng cũng ít nhiều tác động đến việc hình thành và khiến bệnh nặng thêm.
Bệnh eczema được chia làm 2 thể:
+ Eczema khô: da thường nứt nẻ, xuất hiện ở bàn tay, bàn chân. Thường nặng lên khi trời lạnh, hoặc khi tiếp xúc hóa chất, xà bông, chất tẩy rửa,…
+ Eczema ướt: biểu hiện bằng các thương tổn là những mụn nước, hoặc đang rỉ dịch, rất ngứa và dễ bội nhiễm.
Triệu chứng bệnh eczema thường tiến triển qua 4 giai đoạn: đỏ da, mụn nước, lên da non, liken hóa (hăm cổ trâu).
Cách điều trị bệnh eczema hiệu quả
Bệnh eczema thường biểu hiện ở dạng mãn tính, thường xuyên tái phát gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Việc điều trị bệnh eczema chỉ nhằm mục đích: kiểm soát các cơn ngứa, ngăn ngừa triệu chứng viêm da, bội nhiễm da và hạn chế tối đa khả năng phát bệnh. Để chữa bệnh eczema hiệu quả, cần tìm ra “thủ phạm” chính xác và loại bỏ.
Bên cạnh đó bệnh nhân cần tích cực chữa trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tùy từng trường hợp cụ thể với mức độ nặng nhẹ và độ tuổi mà dùng thuốc bôi, thuốc uống khác nhau.
Dưới đây là một số loại thuốc trị eczema thường được chỉ định để chữa bệnh:
*Thuốc uống:
– Thuốc chống ngứa, như: sirô phenergan, sirô théralèn, chlorpheniramin…
– Thuốc chống bội nhiễm, như: dùng kháng sinh amoxicilin, cephalosporin,… nếu eczema có viêm da mủ.
*Thuốc bôi ngoài da:
– Hồ nước: Dùng trong giai đoạn đầu, da mới đỏ, chảy nước ít, có tác dụng làm dịu da, đỡ ngứa.
– Dung dịch: Dùng trong giai đoạn eczema bán cấp, thường là dung dịch jarish, natri clorid 0,9%; thuốc tím 0,001%; vioform 1%.
– Thuốc mỡ: Chủ yếu dùng chữa bệnh eczema giai đoạn mạn tính, như: cream synalar-neomycin, cream celestoderm-neomycin: bôi khi có nhiễm khuẩn; Thuốc mỡ chứa corticosteroid: có thể sử dụng với eczema khô.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị bệnh eczema, bệnh nhân cũng cần lưu ý: Uống nhiều nước, nước ép trái cây tươi; tránh dùng đồ uống có cồn và các chất kích thích. Tránh thực phẩm gây dị ứng như: thức ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, hải sản, đồ hộp, thức ăn sống, lên men; Tránh cọ xát, gãi, xát xà phòng và giữ vệ sinh vùng da bị tổn thương,… để giúp khắc phục nhanh bệnh về da này.